
Một số giải pháp phòng, chống bụi phát sinh trong hoạt động xây dựng cơ bản gây ô nhiễm môi trường
01/10/2021TN&MTBài báo thống kê báo cáo hiện trạng gây ô nhiễm môi trường từ các loại bụi phát sinh trong hoạt động xây dựng và các nguyên nhân từ quản lý nhà nước về xây dựng và các văn bản quy định về môi trường trong xây dựng và xu hướng diễn biến phức tạp của hoạt động quy hoạch xây dựng.
Tóm tắt: Bài báo thống kê báo cáo hiện trạng gây ô nhiễm môi trường từ các loại bụi phát sinh trong hoạt động xây dựng và các nguyên nhân từ quản lý nhà nước về xây dựng và các văn bản quy định về môi trường trong xây dựng và xu hướng diễn biến phức tạp của hoạt động quy hoạch xây dựng. Đồng thời, nghiên cứu cũng nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động xây dựng thời gian tới.
Cùng với xu hướng phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa, hoạt động phát triển xây dựng cơ bản là một tất yếu khách quan để tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước nói chung. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực thì hoạt động xây dựng cơ bản đang gây ONMT một cách nghiêm trọng, một số vi phạm gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp xây dựng tăng lên nhanh chóng từ 44.1843 năm 2011 đến năm 2019 là hơn 102.437 doanh nghiệp lớn nhỏ, hoạt động đa dạng các khâu tham gia vào hoạt động xây dựng cơ bản. Đến nay, các hoạt động thi công xây dựng các công trình lớn đang diễn ra trên khắp các địa phương cả nước, đặc biệt là đô thị lớn. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của nó là gây ONMT không khí và gây ảnh hưởng cuộc sống xung quanh. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ TN&MT năm 2019 cho thấy, hiện nay nồng độ bụi mịn, trong đó có bụi xây dựng ở rất nhiều khu vực thuộc các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng,... có thời điểm vượt ngưỡng cho phép từ 1,5 đến 3 lần. Chỉ tính riêng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô luôn có hơn 2.000 công trường xây dựng lớn nhỏ đang thi công, ngoài ra mỗi tháng có khoảng hơn 50.000 m2 đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Với lượng lớn các công trình thi công, nhưng công tác vệ sinh, môi trường lại không được quan tâm đúng mức như: Các phương tiện chở vật liệu xây dựng không có hệ thống che chắn, công trình xây dựng không được bao bọc để hạn chế bụi thô (d>10 mk), bụi mịn (0,25 mk), bụi mang khí độc, bụi mang mầm bệnh,... chưa có hệ thống thu gom các rác thải nguy hại trong lĩnh vực xây dựng, tiếng ồn,... Báo cáo quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, mỗi năm môi trường không khí Hà Nội phải tiếp nhận khoảng trên 86.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 29.000 tấn khí NO2, 36.000 tấn khí CO2; trong đó có sự “đóng góp” không nhỏ từ quá trình đô thị hóa xây dựng Thủ đô. Quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư, và do tập trung nhiều thiết bị thi công, phục vụ thi công và sử dụng động cơ diezen công suất cao phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO,… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng sống quanh khu vực thi công. Con số này đối với các tỉnh thành khác tập trung thi công xây dựng ở khu công nghiệp, cầu đường, cảng, cống rãnh, đô thị,... cũng diễn ra sôi động.
Không chỉ bị ô nhiễm vì bụi, khí thải mà trong xây dựng còn có tiếng ồn. Cũng như ô nhiễm do bụi, trong các nguồn sinh ra tiếng ồn ở đô thị, các phương tiện giao thông vận tải đóng vai trò chủ yếu; 60 - 80% tiếng ồn gây ra từ động cơ, ống xả, rung động các bộ phận xe, đóng cửa xe, còi và phanh xe, sự tương tác giữa lốp xe và mặt đường. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn còn do hoạt động thi công và phục vụ thi công như nổ mìn, đóng ép cọc, san lấp, vận chuyển vật liệu xây dựng,... gây ONMT không khí khó kiểm soát, thậm chí có nguy cơ phát tán theo hướng gió ảnh hưởng đến nhiều khu vực dân cư, trường học, bệnh viện. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, trong những năm qua, sức khỏe của người dân các đô thị lớn có chiều hướng suy giảm, đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi, người đang mang bệnh, người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời, người bị bệnh phổi và tim mạch. Hậu quả của ONMT đối với người dân các đô thị đi liền với những thiệt hại cho nền kinh tế như chi phí khám, chữa bệnh gia tăng, thiệt hại cho sản xuất và nền kinh tế. Trung bình mỗi hộ gia đình phải chi phí đi viện và số ngày nghỉ ốm từ 1,5 - 2 lần/người/năm; ngày nghỉ trung bình vào khoảng từ 8 đến 16 ngày/người/năm.
Trong khi đó, pháp luật đã quy định rất rõ việc BVMT trong thi công công trình xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải tuân thủ những quy định bắt buộc để bảo đảm vệ sinh môi trường. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2014; Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD, nhằm siết chặt các quy định về BVMT trong thi công xây dựng công trình. Các quy định và chế tài trong lĩnh vực này có đủ nhưng dường như chưa phát huy được hiệu quả khi nhiều công trình chưa tuân thủ hoặc tuân thủ nhưng chưa chặt chẽ các quy định. Bởi nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý “mạnh tay” của các cơ quan QLNN, khó có thể buộc các nhà thầu bỏ thêm chi phí, tự giác thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm bụi trong quá trình vận chuyển, thi công, xây dựng công trình,... Trong khi theo các chuyên gia, giải pháp từ cơ quan chức năng chưa kiên quyết và hiệu quả.
Nghị định số155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ONMT đã có hiệu lực khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên, hình thức xử phạt với các đối tượng này vẫn còn quá nhẹ. Ở nhiều công trình xây dựng, thường không có sự xuất hiện, kiểm tra của các cơ quan chức năng về môi trường. Theo quy định, các xe tải trọng cao, xe chuyên chở phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường. Tuy nhiên, những giải pháp này khó thành hiện thực khi các cơ quan chức không có giải pháp quản lý hiệu quả.
Tình trạng gây ONMT từ bụi phát sinh trong hoạt động xây dựng nêu trên có thể nói có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song tập trung chủ yếu ở một số những nguyên nhân cơ bản sau:
Quy định trong các văn bản pháp luật còn hạn chế, tồn tại chưa rõ phân công, phân cấp, hay hành lang pháp lý còn chưa đủ sức răn đe vi phạm.
Nguồn lực đầu tư cho hoạt động BVMT trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của Thủ đô vẫn còn khiêm tốn.
Công nghệ áp dụng BVMT trong xây dựng cơ bản vẫn còn rất thô sơ, công nghệ xử lý các phế liệu cũng như biện pháp tái chế chưa được xem trọng. Hiện nay, Bộ TN&MT đã ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với từng ngành, lĩnh vực trong xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, công nghệ hiện nay áp dụng tại các công trình đô thị lớn chưa đáp ứng được, QCVN01: 2019/BTNMT, về quy hoạch xây dụng và các quy định về khí thải, bụi, nước thải, chất thải nguy hại,... Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, gắn trách nhiệm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư các dự án, cán bộ kỹ thuật, người dân còn về công tác BVMT còn chưa hiệu quả.
Để khắc phục vấn đề trên, việc kiểm soát và giảm thiểu hạn chế ONMT trong hoạt động xây dựng cơ bản phải dựa trên một loạt các giải pháp đồng bộ. Điều 73 của Luật BVMT quy định đối với hoạt động xây dựng đó là: “Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ tiêu chuẩn và yêu cầu về BVMT”. Trên cơ sở pháp luật quy định để đảm bảo hạn chế ONMT trong hoạt động xây dựng cơ bản cần chú ý thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng quy trình khảo sát phục vụ công tác đánh giá tác động môi trường đối với từng ngành, lĩnh vực trong xây dựng cơ bản, trong đó đưa ra được các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường.
Thứ hai, nghiên cứu và ban hành các chính sách bắt buộc về phân bổ kinh phí dự án trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và phải đảm bảo một nguồn ngân sách nhất định thực hiện các mục giám sát, quản lý, khắc phục và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh.
Thứ ba, áp dụng các công nghệ tái chế các nguyên vật liệu bị thải bỏ trong quá trình xây dựng như bê tông, phế vật liệu,… Đặc biệt, các đơn vị tham gia thi công xây dựng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Ở giai đoạn thi công, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tới môi trường không khí, ồn, rung được áp dụng như phun nước ít nhất 2 lần/ngày vào những ngày không mưa trong mùa mưa; 4 lần/ngày, 2 lần vào buổi sáng, 2 lần vào buổi chiều vào những ngày không mưa của mùa khô. Các phương tiện vận chuyển đều phải có bạt phủ kín, công nhân cần phải được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình thi công xây dựng, các loại thiết bị sử dụng trong thi công phải phát âm thanh ở mức cho phép. Đối với môi trường nước, đất thì các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình triển khai xây dựng các công trường đều phải có hệ thống thu gom nước thải, xử lý sơ bộ rồi mới cho thoát ra hệ thống chung.
Thứ tư, nâng cao ý thức về BVMT, như xây dựng các chương trình đào tạo mang tính ngắn hạn phục vụ cho từng dự án cụ thể cũng như phát triển các chương trình đào tạo dài hạn cho các cán bộ làm công tác quản lý dự án; tuyên truyền, vận động, tham vấn ý kiến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức và kiến thức về môi trường của người dân xung quanh khu vực dự án; các cơ quan quản lý phải có chương trình bồi dưỡng kiến thức môi trường và nghiệp vụ quản lý môi trường cho lực lượng cán bộ, kỹ thuật ngoài công trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thường xuyên thông tin rộng rãi cho người dân xung quanh các khu vực có các dự án thi công, cũng như các bên tham gia dự án đầu tư. Chú trọng công tác phòng ngừa bao gồm sử dụng các biện pháp phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng đối với các hành vi vi phạm.
Thứ năm, đối với lực lượng thanh tra xây dựng, lực lượng thanh tra môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường, cần thực thi tốt công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm về môi trường, kiểm định tiêu chuẩn môi trường. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần hoàn thành tốt chức năng QLNN về môi trường trên lĩnh vực an ninh trật tự theo “tinh thần” Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và để hướng tới mục tiêu - phát triển môi trường bền vững.
Thứ sáu, phối hợp với Bộ TN&MT, các Sở TN&MT và các cơ quan hữu quan khác giám sát tốt quá trình thực hiện các biện pháp BVMT, đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT của các khu xây dựng. Tập trung vào các điểm “nóng” xây dựng, chế biến vật liệu xây dựng.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ xây dựng (2019), Báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng năm 2019, Hà Nội;
2. Bộ TN&MT (2019), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Hà Nội;
3. Quốc hội, Luật BVMT năm 2014, Hà Nội.
NGUYỄN TIẾN DŨNG, ĐOÀN THỊ THÚY LOAN, TRẦN THỊ THU NGA
Học viện Cảnh sát nhân dân